Thế là thành ra yêu mến mùa hè nhiều nhiều hơn mất rồi, chỉ sau mùa thu của mình mà thôi :")
Khu vườn mùa hạ 夏の庭 |
Mùa hè, quả đúng là mùa hè nhỉ?
Khu vườn mùa hạ, đối với mình mà nói, có cái gì đó rất gần với Vĩnh biệt Tugumi, cũng nói đến cái chết, ám ảnh và suy tư về cái chết; cùng với sự chia ly, không chỉ giữa người sống và người chết, mà còn giữa quá khứ và hiện tại, giữa tuổi nhỏ và ngày phải lớn lên. Đặc biệt nhất là trong cả hai cuốn sách này, cái chết và biệt ly, dù hiện hữu, u buồn, đầy ám ảnh nhưng không hề u ám, trái lại, luôn lấp lánh một thứ ánh sáng ấm áp và tươi tắn.
Thật kì lạ, có lẽ là bởi mùa hạ...
Ba người bạn nhỏ, Kiyama, Yamashita và Wakabe tận hưởng mùa hè cuối cùng trước khi lên cấp hai bằng cách theo dõi một ông cụ già, bí mật xem bao giờ ông cụ chết và chết như thế nào. Tò mò về cái chết, hay chính là tò mò về sự sống và cuộc đời đã khiến bộ ba có một mùa hè kì lạ, mà có lẽ là đến hết cuộc đời sẽ "in lại trong tim", chẳng thể nào quên.
Mình vẫn luôn thích cái cách những nhà văn Nhật, à không, chỉ là những nhà văn Nhật mình từng được đọc thôi, viết về những điều kì lạ nhất như thể là những thứ bình thường nhất với một thứ văn chương bình thản nhất đến không tưởng tượng nổi ấy.
Bắt đầu từ một ý kiến tưởng như điên rồ của Wakabe, khám phá cái chết sắp đến của một ông cụ sống trong một ngôi nhà tồi tàn không người thân, và cuối cùng kết thúc bằng những yêu thương, quan tâm vô cùng giản dị mà ấm áp. Kết nối giữa chúng, có lẽ chính là tựa đề của cuốn sách, là "Khu vườn mùa hạ".
Khu vườn, ban đầu là khoảng ngăn cách giữa ba đứa nhỏ và ông cụ. Nhưng sau đó, cũng chính khu vườn là khoảng không gian kì diệu kết nối trái tim và tình cảm của họ, lưu lại những khoảnh khắc bình yên và đẹp đẽ nhất.
Những ngày đầu theo dõi ông cụ của bộ ba, khu vườn chỉ đơn thuần là mảnh đất tồi tàn của một ngôi nhà gần như bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, "bừa bãi đầy túi rác bị mèo hoang cào rách và vỏ cơm hộp bằng nhựa nằm chỏng chơ". Đó chỉ là sự ngăn cách giữa bên theo dõi - ba đứa trẻ với sự tò mò tự nhiên về cái chết và bên bị theo dõi - ông cụ già yếu có kiểu sinh hoạt sống mà như đã chết.
Thế nhưng khi ranh giới giữa cái gọi là theo dõi và bị theo dõi mờ dần một cách không ai ngờ tới, thì cũng là lúc khu vườn hiện lên thật khác.
"Trên mặt đất khô chỉ có chúng tôi, cây gạo và sợi dây phơi đồ hình chữ V. Chẳng còn rác. Chẳng còn cỏ. Mớ đồ giặt đã phơi khô để dồn trên hành lang thành một đống ấm áp."
Và rồi ở đó, bốn người bạn - ông cụ và ba đứa nhỏ, thật vô cùng tự nhiên như thế, đã trở thành bạn của nhau, đã cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc mùa hạ.
Đã cùng nhau vừa ăn quả dưa hấu "tươi ngon đến độ nhìn vào có cảm giác đoàn quân hạt đen đang ẩn nấp trong lớp thịt đỏ sắp sửa lao vút ra" vừa cảm nhận "tiếng của những hạt mưa to lấp đầy tai... Mùi đất ẩm, mùi hương muỗi nồng lên."
Đã cùng nhau lên kế hoạch trồng hoa và "mơ đến khu vườn hoa" của riêng mỗi người, âm thầm gieo những hy vọng bình dị lên "mảnh đất đã hoàn toàn thay đổi, đang chờ đợi một cái gì đó mới mẻ bám rễ, nảy mầm..."
Đã cùng nhau làm vườn, cẩn thận vùi những hạt cúc cánh bướm xuống lớp đất ấy, cùng nhau tưới nước cho chúng, cùng nhau đùa nghịch và cười vang...
Và kì diệu hơn cả, mối quan hệ kì lạ của bốn người vượt ra cả ngoài không gian nhỏ bé của khu vườn.
Đó là khi bộ ba tụ tập trong nhà ông cụ một ngày bão, lắng nghe câu chuyện cuộc đời ông...
Đó là khi ba đứa nhỏ tìm cách điều tra rồi tìm đến tận một viện dưỡng lão nhỏ xa lắc để tìm lại người vợ mà ông cụ đã rời xa sau khi từ chiến trận trở về...
Đó là khi ông cụ dẫn cả ba ra bãi sông, bắn pháo hoa cho chúng xem, "những bông pháo hoa bung ra như những bông cúc màu vàng, xanh,đỏ..."
"Khi nào vườn nở đầy cúc cánh bướm, nơi này sẽ thành ra ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên đấy!"
Cuối cùng cúc cánh bướm cũng nở,
nhưng chỉ còn lại ba người bạn nhỏ cùng nhau ngắm nhìn. Có những thứ, con người không bao giờ có thể cưỡng lại được.
Khu vườn cúc cánh bướm, dù thế nào cũng đến một ngày, phải nằm ngủ yên dưới mặt đất rải nhựa đường.
Ba đứa trẻ cũng lớn lên và bắt đầu bước những bước đầu tiên trên con đường cuộc đời của riêng mình.
Thời gian, trưởng thành rồi già đi.
Nhưng trên con đường ấy, mỗi bước chân qua chắc hẳn vẫn sẽ luôn được những bông cúc cánh bướm đã ngủ yên ngày nào nâng đỡ...
Cũng giống như những suy tưởng bình yên lạ lùng về tuổi già của Kiyama một chiều ngồi ăn những quả dâu rất ngọt cùng hai người bạn thân và một người bạn đặc biệt khác là ông cụ ...
"Biết đâu già đi lại là một điều hay. Bởi vì càng nhiều tuổi, người ta lại càng nhiều ký ức. Và rồi, một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những ký ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi tới nhiều nơi khác, và không chừng, cũng sẽ len lỏi vào tim những người khác nữa. Thỉnh thoảng, có những nơi ta mới đến lần đầu nhưng chẳng hiểu sao lại có cảm giác như rất thân quen, không chừng đó là ký ức của một người xưa nào đó đang trêu chọc chúng ta."
...
Ở nhà mới có thêm "Mùa thu của cây dương" của Kazumi Yumoto đó. Ai đó hảo tâm hãy đọc trước và làm một cái review cho mình đê X"D
Mùa hè, rồi Mùa thu...
Trả lờiXóacòn một cuốn viết về Mùa xuân nữa hình như chưa được dịch sang tiếng Viêt. Liệu cô Kazumi Yumoto có viết thêm một cuốn Mùa đông nữa để thành bộ truyện Tứ thời không nhỉ? :)
p/s: review Mùa thu của cây dương đi bff ơi :)
Trả lờiXóaThu lấp ló rồi kìa :"D