Câu hỏi vừa đọc được trên Quora:
Điều gì đã làm bạn buồn?
Câu trả lời được nhiều người thích nhất của Abhinav Deshmukh:
___________
Mới đây tôi quên mật khẩu email.
Câu hỏi bảo mật của tôi (đặt từ nhiều năm trước) là “Lúc lớn lên bạn muốn trở thành ai?”
Tôi không thể nhớ nổi câu trả lời ban đầu của tôi…
Tôi tự hỏi là không biết bao nhiêu người đã lạc đường; và họ có bao giờ tìm lại được ước mơ của họ không.
...
Nó nhớ những ước mơ âm ỉ cháy bỏng hồi bé.
Ước mơ tập một, cũng là ước mơ "tập thể" của rất nhiều nhóc gái 7,8 tuổi ngày ấy, ước được làm cách cách Tiểu Yến Tử, và có người yêu là Ngũ A Ka (≧∇≦)Đến giờ Ngũ A Ka vẫn là hình mẫu lý tưởng của nó. Chàng yêu Tiểu Yến Tử với tất cả 1001 những tật xấu, những ương ngạnh, trái khoáy của nàng. Bảo vệ nàng. Chung thủy với nàng. Và đặc biệt là kiên trì với nàng.
Ước mơ tập hai là trở thành nhà thiết kế thời trang, tham gia Vietnam Collection Grand Prix. Tiếc rằng đến 2010 Fadin cho VCGF đứt gánh giữa đường và ước mơ của nó cũng đứt dang dở... Lỗi không phải do VCGF, chẳng qua là nó không đủ dũng cảm để đi con đường ấy. Đến giờ, nó vẫn giữ những trang báo Thời trang trẻ 96, 97 nó xé nham nhở, không hiểu làm thế nào một con nhóc chưa biết đọc chữ hồi ấy lại mê mẩn những trang báo về Chanel đến thế, tất nhiên là khi ấy nó chẳng có tí khái niệm nào về Chanel hay hàng hiệu cả. Đơn giản là thích. Nó xé xé cắt cắt, cất giữ cẩn thận trong cái túi nhựa đựng tài liệu thừa của mẹ. Lớn hơn tí xíu, đồng tiền 2000đ đầu tiên nó kiếm được là thông qua việc bán tập vẽ thời trang công chúa. Tiền đấy nó ăn ô mai cổng trường được bốn hôm. Vào cấp hai, nó lặn lội các sập báo cũ để sưu tầm các số tạp chí Mốt Vietnam. Bưu điện Hà Đông họ chỉ bán Thời trang trẻ, ĐẸP, Thời trang và cuộc sống các kiểu, mấy loại mà mở ra chưa đến chục trang thực sự viết về thời trang, thế là tháng nào nó cũng lặn lội ra bưu điện HN ở đoạn Bờ Hồ để mua cho được thứ mà theo nó mới xứng đáng coi là tạp chí thời trang chân chính: Mốt Vietnam. Ấy thế rồi, sau này nó tỉnh mộng. Nó xếp xó ước mơ ấy lại để học Toán, học Văn như những đứa bình thường khác. Nó không muốn khiến ước mơ của nó lại thành nỗi bất hạnh hay bất hoà của gia đình.
Ước mơ tập ba là ủ một cái thư viện trong nhà, mở tự do cho trẻ con trong khu vào đọc. Nhớ là hồi ấy, mẹ làm thẻ cho nó đi thư viện tỉnh. Cái phòng đọc thiếu nhi chỉ vỏn vẹn 40 mét vuông ngày đó cũng đủ khiến nó ngưỡng mộ và thèm thuồng lắm, ngất đâu cũng là sách. Nó cộng trừ nhân chia thế nào đấy ra kết quả: phải tích trữ sách từ năm mới đi học nếu muốn trữ được một căn phòng sách khổng lồ cỡ vậy. Cái phép tính ngây ngô ấy đã nuôi dưỡng một “kế hoạch”, một ước mơ, một thói quen đến tận sau này: tích sách. Mẹ hẳn là mãn nguyện, vì trong khi những đứa trẻ quanh khu ước mơ một căn nhà xây bằng sô-cô-la với lollipop thì con nhà mình ước căn nhà xây bằng chữ. Mẹ đặt báo dài hạn cho nó cả tuần, và chiều nó mỗi lần xin tiền tậu sách. Nhưng mà mẹ cũng thường xuyên than phiền lắm, vì cái thói tích trữ ấy mà phòng ốc không lúc nào được gọn gàng, quang đãng như nhà khác. Từ sách giáo khoa lớp 1, à, phải là từ báo Họa Mi thì đúng hơn, nó giữ tất tật, giữ cho niềm tin tham lam sau này sẽ lấp đầy căn nhà mình bằng sách vở (+họa báo, truyện tranh…). Trải qua sự hỗn đoạn của công cuộc chuyển nhà, và vô vàn những cuộc tranh luận: “Bán đồng nát bớt đi!”, cùng nhiều sách lưu lạc vì không nhớ cho ai mượn vô hạn, tính đến giờ, mất mát cũng kha khá… Ngày nảy ngày nay, nhìn giá sách càng ngày càng tăng, internet thì tiện cái gì cũng sẵn, báo chí ngày càng nhảm nhí không còn muốn đặt. Ngậm một hạt đắng. Căn nhà sách tuổi thơ không biết bao giờ mới thành…
Nó mơ viết báo, nó mơ mặc áo xanh tình nguyện, nó mơ làm nhà ngoại giao như Tôn Nữ Thị Ninh, nó mơ làm người truyền cảm hứng, nó mơ được dạy học, nó mơ đẹp lắm...
Hồi nó bé, nó trẻ hơn bây giờ và già hơn những đứa cùng lứa, hễ mê mải cái gì là ôm cái đó mần suốt. Nó sống rất lý tưởng, mơ nhiều thứ cao cả và theo đuổi nhiệt thành, hệt như một bà cụ non. Cứ vậy rồi nhiều năm qua đi, va vào góc này đập vào góc khác, thời gian không phải là một cái tủ đông lạnh đủ tốt để bảo quản cho những ước mơ của con người ta. Nói chung những cao cả rồi cũng bầm dập, những hoài bão rồi cũng down to earth, ước mơ rơi rớt dần, sống vẫn nhiệt thành nhưng ít dần lý tưởng. Cứ giả vờ cho sâu sắc và viết dài thế thôi, thực ra nó cũng rỗng tuếch, nhảm nhí và tầm phào chẳng khác ai.
Thế bây giờ bạn còn mơ gì nữa không? Mình nghĩ là ước mơ đi liền vs đam mê. Không có đam mê với 1 thứ gì đó, ước mơ cũng chỉ là ước mơ ^^.
Trả lờiXóamình nghĩ mình đã viết đầy đủ và chân thành ở phía trên , tùy theo cách bạn hiểu
XóaHay quá
Trả lờiXóa